VN

Các Bệnh Lý Răng Miệng Phụ Nữ Mang Thai Thường Gặp

Trong thời gian mang thai, phụ nữ thường dễ mắc các bệnh lý răng miệng hơn so với bình thường. Vậy nguyên nhân do đâu? Làm thế nào để ngăn ngừa các bệnh lý này?

1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh lý răng miệng?

Phụ nữ mang thai thường ăn nhiều bữa hơn nên lượng axit trong miệng khá cao, dẫn đến dễ mắc bệnh lý sâu răng.
- Lượng hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột, dễ khiến cho lợi bị viêm hơn bình thường.
- Trong quá trình mang thai, phụ nữ thường bị ốm nghén, khiến cho quá trình làm sạch răng gặp nhiều khó khăn, các vụn thức ăn còn sót lại sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công răng miệng.

2. Một số bệnh lý răng miệng thường gặp khi mang thai

Viêm lợi: trong thời gian mang thai từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8, mẹ bầu hay bị viêm nướu. Nguyên nhân là do sự thay đổi của nội tiết tố và mao mạch, khiến các mảng bám tích tụ nhiều. Nếu viêm nha chu kéo dài có thể khiến cho răng bị lung lay và rụng dần.

Sâu răng: phụ nữ mang thai thường có các triệu chứng như ốm nghén, nôn ọe làm thay đổi môi trường pH trong khoang miệng, làm giảm khả năng tự bảo vệ của răng miệng.
Đồng thời, khi mang thai, mẹ bầu thường ăn nhiều bữa hơn nên nếu vệ sinh răng miệng không kỹ sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn tấn công và gây ra các bệnh lý răng miệng, trong đó có sâu răng.

Mòn men răng: Tình trạng ợ chua, nôn ói trong quá trình mang thai sẽ khiến acid từ dạ dày bị đẩy lên khoang miệng, tiếp xúc trực tiếp với răng và làm cho men răng bị mòn.

3. Biện pháp ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng ở phụ nữ mang thai

- Vệ sinh răng miệng tối thiểu 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm. Có thể kết hợp với chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ các mảng bám còn sót lại trong khoang miệng.


- Thay bàn chải định kỳ 3 - 4 tháng/ lần để đảm bảo hiệu quả làm sạch răng. Mặt khác, khi bàn chải sử dụng quá lâu thì đầu lông sẽ bị xơ, cứng, dễ làm tổn thương đến nướu, răng.
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, canxi,... và hạn chế các thực phẩm nhiều đường, chất béo.
- Trước khi có kế hoạch mang thai, phụ nữ đến đến nha khoa và kiểm tra tổng quát, nhằm điều trị triệt để các bệnh lý răng miệng (nếu có). Sau đó, trong thời gian mang thai thì mẹ bầu cũng nên khám răng định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng.

Mắc các bệnh lý trong giai đoạn mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu mà còn liên quan đến sức khỏe thai nhi. Chính vì vậy, hãy chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ tại nha khoa đề ngăn ngừa các vấn đề trên nhé!