VN

Cách chăm sóc răng sữa cho bé an toàn và tốt nhất

NỘI DUNG BÀI VIẾT

1. Răng sữa bắt đầu hình thành từ lúc nào?
2. Thứ tự các độ tuổi mọc răng sữa
3. Cách chăm sóc răng sữa cho bé theo từng giai đoạn
4. Lưu ý để bảo vệ răng sữa cho bé


Đánh răng không đúng cách là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sâu răng ở trẻ em trong giai đoạn từ 4-8 tuổi. Biết được điều đó, nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm đến cách chăm sóc răng sữa cho bé từ rất sớm, từ đó cũng tạo được thói quen tốt giúp con có một hàm răng chắc khỏe ngay khi còn nhỏ, tạo tiền đề cho sự phát triển của răng vĩnh viễn. 

1. Răng sữa bắt đầu hình thành từ lúc nào?


Răng sữa còn được gọi là răng tạm thời vì chúng chỉ tồn tại cùng sự phát triển của bé trong vài năm đầu đời. Tuy vậy nhưng răng sữa đóng vai trò cực kì quan trọng đối với quá trình ăn nhai, cũng như có tác dụng lâu dài đối với sức khỏe răng miệng về sau của bé.

Quá trình mọc răng sữa ở trẻ có thể khác nhau, một số trẻ mọc muộn hoặc sớm hơn. Thông thường, chiếc răng sữa đầu tiên sẽ mọc khi bé được khoảng 6 tháng tuổi. 20 chiếc răng chính gồm 10 răng trên và 10 răng dưới sẽ dần mọc theo thứ tự. Sau đó, khi bé được khoảng 5 - 6 tuổi, những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu rụng và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Thời gian để răng sữa được thay thế hoàn toàn bởi 32 chiếc răng vĩnh viễn sẽ kéo dài khoảng 6 năm. 

2. Thứ tự các độ tuổi mọc răng sữa


   -  6-12 tháng: Mọc răng cửa trung tâm
   -  9-16 tháng: Mọc răng cửa hai bên
   -  13-19 tháng: Mọc răng hàm đầu tiên
   -  16-23 tháng: Mọc răng nanh
   -  22-33 tháng: Mọc răng hàm thứ hai

3. Cách chăm sóc răng sữa cho bé theo từng giai đoạn


Ở mỗi giai đoạn khác nhau, ba mẹ nên áp dụng cách vệ sinh răng khác nhau để đảm bảo hiệu quả:

  3.1. 6-8 tháng tuổi

Nếu trong giai đoạn này bé vẫn chưa mọc răng sữa, mỗi lần uống sữa xong mẹ vẫn nên dùng gạc rơ lưỡi thấm nước ấm vệ sinh lưỡi và nướu để bé quen với cảm giác khoang miệng luôn được sạch sẽ.
Khi chiếc răng đầu tiên đã mọc, mẹ nên bắt đầu việc chăm sóc răng cho trẻ với gạc rơ thấm nước muối pha loãng, lưu ý nên vệ sinh thật kỹ cả 2 mặt trong và ngoài của răng.

  3.2. 2-3 tuổi

Các răng sữa bắt đầu mọc lần lượt trên cung hàm, đây cũng là lúc mẹ nên áp dụng biện pháp chải răng đúng cách để làm sạch răng cho bé. Ở thời điểm này bé cũng đã có thể sử dụng loại kem đánh răng phù hợp, lượng kem mỗi lần chải răng chỉ nên nhỏ bằng hạt đậu.

  3.3. 3-6 tuổi


Lúc bấy giờ, quá trình mọc răng sữa cũng đã dần kết thúc với sự xuất hiện đầy đủ của 20 chiếc răng trên cung hàm. Ở độ tuổi này, bé đã có thể tự mình đánh răng mỗi ngày 2 lần dưới sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, để tạo động lực và thúc đẩy bé hình thành thói quen chăm sóc răng miệng, ba mẹ có thể đồng hành chải răng cùng bé nhằm đem đến không khí vui tươi đối với hoạt động này.

  3.4. 6-9 tuổi

Ở độ tuổi này, răng sữa đã dần được thay thế bởi răng vĩnh viễn nên quá trình chăm sóc răng miệng lại càng quan trọng hơn. Ba mẹ vẫn nên tiếp tục quan sát và kiểm tra xem trẻ có chải răng đúng cách hay không và bắt đầu hướng dẫn bé sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. 

4. Lưu ý để bảo vệ răng sữa cho bé


Dù chỉ là răng tạm thời nhưng nếu răng sữa bị sâu bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của bé. Do đó, cần lưu ý một số điều sau đây để bảo vệ răng sữa cho bé:

  4.1. Tập cho con thói quen vệ sinh răng miệng

Ba mẹ nên nhắc nhở bé đánh răng 2 lần mỗi ngày khi bé đã có thể tự vệ sinh răng, mỗi lần nên kéo dài khoảng 2-3 phút để vụn thức ăn có thể hoàn toàn bị loại bỏ khỏi khoang miệng. Có thể tạo điều kiện để con tự chọn bàn chải đánh răng và vị kem đánh răng để khơi gợi sự hứng thú của bé đối với việc vệ sinh chăm sóc răng miệng. Tuy nhiên, ba mẹ cần lưu ý đảm bảo chỉ cho bé sử dụng bàn chải lông mềm với kích thước phù hợp để tránh làm tổn thương đến phần nướu răng.

  4.2. Chú ý chế độ dinh dưỡng của bé

Ngày nay, thức ăn đóng hộp, đồ ăn nhanh, nước uống chứa nhiều đường đang dần thay thế cho những loại thực phẩm tươi trước đây. Chính vì vậy mà chế độ dinh dưỡng của bé mỗi ngày là vấn đề cần được quan tâm nhiều để bảo vệ răng sữa khỏi sự tấn công của vi khuẩn.

  4.3. Kiểm tra răng định kỳ

Ngay khi những chiếc răng sữa đầu tiên đã mọc lên ổn định, ba mẹ nên đưa trẻ đến phòng khám nha khoa để kiểm tra tình trạng và quá trình phát triển của răng. Bên cạnh đó, có thể tạo điều kiện cho bé kiểm tra răng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh răng miệng kịp thời nếu có.

Vệ sinh răng miệng luôn là việc làm cần thiết ở mỗi lứa tuổi, vì ai cũng mong muốn có một nụ cười trắng sáng rạng rỡ mỗi ngày. Chính vì vậy mà nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm đến cách chăm sóc răng sữa cho bé ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ với mong muốn con có một hàm răng khỏe đẹp khi trưởng thành.